Bản tin Logistics tháng 2/2021

Thứ ba, 23/02/2021, 08:51 GMT+7

   

3

    ​​​​Các hãng vận tải đối mặt với việc thắt chặt quy định tải trọng Hiện đang có nhiều lời kêu gọi xem xét khẩn cấp các quy trình chằng buộc và quy định về hạn chế chiều cao chất xếp sau sự cố thất lạc container mới nhất xảy ra đối với tàu Maersk Essen vào ngày 16/01. Đây là lần thứ ba sự cố nghiêm trọng xảy ra trong vòng chưa đầy 2 tháng trên các tuyến vận tải. Một số ý kiến cho rằng quy trình chằng buộc và giữ ổn định container trên các tàu container vẫn chưa phải quá lạc hậu để dẫn đến các sự cố trên, trong khi thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn và thường xuyên xảy ra hơn trên các tuyến vận tải, đặc biệt là khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng các thiết kế tàu container mới có thể sẽ cân nhắc việc giảm tải trọng hàng hóa trên hầm tàu so với các thiết bị hiện tại, để bảo đảm ổn định cho thân tàu. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng các thiết bị tàu hiện nay sẽ bị yêu cầu phải giảm tải trọng chất xếp phía trên hầm tàu hoặc giảm tốc độ vận hành.

    Ngành đóng tàu Hàn Quốc đặt mục tiêu tăng số đơn hàng trong năm 2021. Các hãng đóng tàu Hàn Quốc, dẫn đầu với công ty Hyundai Heavy Industries Co., đặt mục tiêu số đơn đặt hàng đóng tàu trong năm 2021 tăng hơn 40% so với năm 2020, giữa bối cảnh ngành công nghiệp đóng tàu thế giới dự kiến sẽ chứng kiến sự bùng nổ nhờ các quy định siết chặt về môi trường. Giới theo dõi ngành đóng tàu dự đoán các quy định siết chặt về môi trường sẽ thúc đẩy các hành khách mua tàu của các công ty đóng tàu Hàn Quốc, có lợi thế cạnh tranh trong hoạt động sản xuất tàu chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Số liệu của tổ chức nghiên cứu thị trường toàn cầu Clarkson Research Service, các hãng đóng tàu Hàn Quốc đã có sự khởi đầu tốt trong tháng 1/2021 và giành lại vị trí số một thế giới về số đơn hàng mới.

    Hoạt động vận tải container thế giới “vững tay lái” qua đại dịch COVID-19. Theo các chuyên gia, hoạt động vận tải hàng hóa đường biển bằng container đã phát triển mạnh trong đại dịch COVID-19, chủ yếu nhờ nhu cầu lớn đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc và tình trạng thiếu tàu chở hàng. Chỉ số container toàn cầu của Freightos Baltic (FBX) chuyên theo dõi chi phí vận chuyển bằng container cho biết giá cước cho tuyến Trung Quốc - châu Âu đã tăng gần gấp 4 lần kể từ đầu tháng 11/2020 đến nay, đứng ở mức 7.827 USD vào ngày 5/2. Theo chuyên gia Roach, sự mất cân bằng giữa cung và cầu này sẽ tiếp tục khi các hạn chế đi lại và kiểm dịch nghiêm ngặt vẫn được áp dụng. Một điều mà giới chuyên gia đang lo ngại là chi phí vận chuyển tăng có thể đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn. Chuyên gia Rees lưu ý rằng hiện chưa rõ liệu các công ty có thể chuyển mức giá vận tải cao hơn sang cho người tiêu dùng, nếu có thì ở mức độ nào.