NGÀNH DỊCH VỤ LOGISTICS VIỆT NAM DỰ KIẾN ĐẠT TĂNG TRƯỞNG 15%- 20% VÀO NĂM 2025

Thứ sáu, 12/03/2021, 09:06 GMT+7

      Ngành logistics vốn được coi là xương sống của nền kinh tế, đồng hành với tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất, phân phối, lưu thông cho đến tiêu thụ.

 Một trong những ngành tiềm năng nhất của nền kinh tế: 

      Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

    Được phát triển từ những năm 1990, chỉ trong một thời gian ngắn, dịch vụ logistics của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.

     Các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang cung cấp từ 2 đến 17 dịch vụ logisitics khác nhau, tập trung vào: giao nhận, vận tải nội địa, khai thác cảng biển và cảng hàng không, kho bãi, quản lý hàng và vận tải quốc tế... Trong đó, vận tải là lĩnh vực dịch vụ quan trọng nhất trong hệ thống logistics của Việt Nam.

logis2

    Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây tương đối cao, đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm; tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.

     Mới đây, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, sửa đổi mục tiêu đề ra cho năm 2025 như sau: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt 50 trở lên.

    Theo Quyết định trên, Chính phủ chủ trương phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao... Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực.

    Để cắt giảm chi phí logistics và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 một số giải pháp được đề xuất như: đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục thương mại xuyên biên giới; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại giúp tiết kiệm tối đa thời gian chi phí, đáp ứng nhu cầu vận chuyển và lưu thông hàng hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ mới, hiệu quả hơn vào hoạt động logistics.

    Có các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics…; xây dựng mạng lưới liên kết các doanh nghiệp logistics, trong đó tập trung phát triển hệ thống logistics gắn với thương mại điện tử; phát triển các giải pháp mới nhằm tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, sử dụng tối đa nguồn nhiên liệu tái tạo tại các cảng, kho bãi, tăng cường các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường…

    Ngoài ra, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng tạo ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài cùng công nghệ hiện đại và gia tăng phương pháp quản trị tiên tiến trong lĩnh vực logistics. Để tận dụng các cơ hội kinh doanh đến từ chính các cam kết trong các FTA, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp logistics cần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tìm các kênh thích hợp để tăng liên kết với các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ logistics khác nhau như: hãng tàu, đại lý thương mại, bảo hiểm…

Minh Duyên/TTXVN (Tổng hợp)