Các hãng tàu nước ngoài đang thu phụ phí xếp dỡ tại cảng (THC) cao nhưng chỉ trả lại cho cảng ở mức chỉ bằng 30-45% mức thu từ khách hàng xuất nhập khẩu, từ đó, có ý kiến cho rằng các hãng tàu đang hưởng lợi rất lớn. Trường hợp giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam tăng, liệu các hãng tàu có tăng phí bốc xếp đối với chủ hàng? Và biện pháp nào khống chế được việc tăng phí THC vô tội vạ của các hãng tàu?
|
Giá dịch vụ bốc xếp cảng biển được đề xuất tăng 10% - Ảnh: Anh Quân |
Lo ngại giá dịch vụ cảng biển tăng, hãng tàu tăng phí
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 54/2018 về khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển (gọi chung là giá dịch vụ cảng biển).
Góp ý cho dự thảo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, giá bốc xếp trong thời gian qua có sự thay đổi đi xuống và chưa được quan tâm đúng mức. Theo quyết định 61/2003 giá bốc xếp đưa ra là 57-85 đô la Mỹ/container loại 20 và 40 feet tại khu vực 1 (các cảng phía Bắc) và khu vực 3 (các cảng phía Nam).
Sau hơn 20 năm theo thông tư 54/2018 giá bốc xếp tại khu vực 1 và 3 đối với container loại 20 và 40 feet đã thấp hơn rất nhiều, chỉ còn 33 đô la đối với container 20 feet khu vực 1 và 41 đô la Mỹ/container 20 feet khu vực 2 (các cảng miền Trung); và 52 đô la đối với container 20 feet khu vực Cái Mép.
Về giá vận chuyển container hiện nay trên thị trường gần như 100% hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container đi và đến Việt Nam đều do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận. Đội tàu biển Việt Nam chưa có đủ năng lực cung cấp dịch vụ này.
VLA nhận định, các hãng tàu container nước ngoài đang thu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam rất nhiều loại phí và phụ phí chưa hợp lý, trong đó có phí bốc xếp hàng hóa mà hãng tàu trả cho cảng. Từ năm 2009 các hãng tàu dã áp dụng thu phí và phụ phí với mức tăng đều qua các năm, không phụ thuộc vào giá bốc xếp tại cảng.
Các hãng tàu nước ngoài đang thu phụ phí xếp dỡ tại cảng (THC) cao nhưng chỉ trả lại cho cảng ở mức chỉ bằng 30-45% mức thu từ khách hàng xuất nhập khẩu. Với trên 10 triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng biển Việt Nam mỗi năm thì các hãng tàu đã hưởng phần chênh lệch phí xếp dỡ rất lớn. Vì vậy, khi tăng giá dịch vụ tại cảng biển cần quản lý các hãng tàu container nước ngoài không được tăng thu phụ phí THC và các phụ phí khác nhằm giảm chi phí logistics quốc gia.
VLA cho rằng trong thời điểm dịch covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và tác động làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu thì việc tăng giá bốc xếp cần có lộ trình vào thời điểm thích hợp. Giá dịch vụ cảng biển nói chung và giá bốc xếp cảng biển nói riêng phải đảm bảo hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp cảng và lợi ích quốc gia trong quá trình kinh doanh.
Biện pháp nào khống chế các hãng tàu thu phí vô tội vạ?
Trước nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc tăng giá dịch vụ cảng biển, tại cuộc họp hôm 18-9, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc tăng giá bốc xếp là hoàn toàn hợp lý và cần thiết để doanh nghiệp cảng biển kinh doanh có lãi. Từ đó tích lũy để tải đầu tư hệ thống hạ tầng, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển của tất cả các nước trong khu vực. Trong đó làm rõ một số yếu tố như mức giá tại các nước đang dao động ở mức nào? Các quốc gia đang thu phí xếp dỡ tại cảng biển của các hãng tàu ra sao? Dựa trên kinh nghiệm đó để xây dựng phương án quản lý giá dịch vụ cảng biển tại Việt Nam.
Đồng thời, Cục Hàng hải Việt Nam rà soát lại tất cả các loại phí hãng tàu đang thu của chủ hàng, cộng tổng phí của từng loại container xem có hợp lý hay không. Theo ông Thể, việc xây dựng dự thảo phải đặt ra trường hợp giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam được điều chỉnh tăng, liệu các hãng tàu có tăng phí bốc xếp (THC) đối với chủ hàng?
Biện pháp nào khống chế được việc tăng phí THC vô tội vạ của các hãng tàu? Trường hợp Việt Nam đã có cơ sở pháp luật để quản lý vấn đề đó thì cần triển khai như thế nào đảm bảo hiệu quả. “Nếu không giải quyết được vấn đề này thì hàng hóa lại chịu thêm phí, đồng nghĩa chúng ta chỉ giải quyết được phần ngọn, chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề để đảm bảo sức cạnh tranh cho hàng hóa” ông Thể nhấn mạnh.
Đối với việc tăng giá dịch vụ hoa tiêu, giá cầu bến, phao neo tại một số khu vực, người đứng đầu Bộ GTVT đề nghị các cơ quan liên quan phải giải trình rõ sẽ tăng mức nào, tại sao áp dụng mức tăng đó ở thời điểm này mà không phải là mức tăng khác?
Theo tờ trình dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 54/2018 của Bộ GTVT ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển (gọi chung là giá dịch vụ cảng biển) sẽ điều chỉnh tăng.
Cụ thể, giá dịch vụ tối thiểu bốc dỡ container xuất nhập khẩu, trung chuyển khu vực I (không bao gồm Lạch Huyện) đề xuất tăng thêm 10%, trong đó container 20 feet từ 33 đô la tăng lên 36 đô la/container; container 40 feet tăng từ 50 đô la lên 55 đô la/container.
Đối với các cảng trung chuyển quốc tế tại Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải giá bốc dỡ container cũng được đề xuất tăng 10 % từ 52 - 60 đô la/container 20 feet lên 57 - 66 đô la/container 20 feet; container 40 feet tăng từ khung 77 - 88 đô la lên 85 - 97 đô la/container; riêng container trên 40 feet tăng từ 85 - 98 đô la lên 94 - 108 đô la/container.
|